Bị sỏi thận nhưng bệnh nhân chỉ nỗ lực uống thuốc đông y nhiều năm với hy vọng tiêu đi, đến khi sỏi bị hỏng hoàn toàn.
Bệnh nhân chia sẻ, bản thân đã khám ra bệnh sỏi thận từ nhiều năm trước, tuy nhiên, bệnh nhân không đi viện điều trị mà chỉ uống thuốc đông y với hy vọng sỏi tiêu đi.
Trước vào viện 1 tuần người bệnh xuất hiện đau thắt lưng, đau lan ra đằng trước kèm theo buồn nôn, toàn thân mệt mỏi mới đi khám.
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, sau khi tiến hành thăm khám, dựa trên các kết quả siêu âm, xét nghiệm, hình ảnh CT.Scanner cho thấy: thành bể thận giãn rất mỏng, sỏi thận phải kích thước khoảng 2x2cm, làm mất chức năng thận. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ thận phải kèm khối sỏi thận.
Sỏi thận hình thành khi nước tiểu cô đặc, nồng độ khoáng chất bên trong nước tiểu tăng cao. Ảnh minh họa BSCC
Bác sĩ Nguyễn Như Trung, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe. Đặc biệt là những người có tiền sử sỏi thận nhưng không thấy đau hoặc chủ quan mà không đi khám bệnh.
Chỉ đến khi bệnh có biến chứng nặng mới nhập viện điều trị, nhiều trường hợp trong số đó đã phải cắt một bên thận do sỏi thận.
Bên cạnh đó mỗi người hãy đảm bảo cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày. Việc lười uống nước sẽ khiến hệ tiết niệu không được hoạt động, lượng nước tiểu sẽ đọng lại, trở nên đậm đặc dễ hình thành nên tình trạng sỏi đường tiết niệu và sỏi thận.
Về bệnh sỏi thận, bác sĩ Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Tiết niệu và Nam học (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sỏi thận là căn bệnh phổ biến tại đất nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
Sỏi thận hình thành khi nước tiểu cô đặc, nồng độ khoáng chất bên trong nước tiểu tăng cao. Các khoáng chất dư thừa này không được đào thải qua đường tiểu mà lắng đọng lại tại thận.
Lâu ngày, từ các tinh thể này liên kết lại với nhau tạo thành một khối tinh thể cứng gọi là sỏi thận. Các tinh thể này càng để lâu thì kích thước lại càng lớn hơn. Sỏi càng lớn càng dễ gây các biến chứng nguy hiểm không chỉ tại thận mà còn nhiều cơ quan khác.
Đặc biệt khi sỏi theo dòng tiểu di chuyển xuống các vị trí khác trong hệ tiết niệu thì sẽ gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm như: ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, teo, xơ thận, suy thận,...
"Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận như: Điều trị nội khoa bằng thuốc; Tán sỏi ngoài cơ thể; Tán sỏi ống mềm nội soi; Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
Vì vậy, khi phát hiện sỏi thận bạn không nên tự ý uống thuốc nam, thuốc bắc đặc biệt các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà nên đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Ngoại thận tiết niệu để được tư vấn và điều trị. Sỏi thận tùy theo vị trí – kích thước có thể được xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau một cách hiệu quả và an toàn", bác sĩ Việt khuyến cáo.
VietBF @ sưu tập