Tên lửa tái sử dụng chạy bằng kerosene Nebula-1 của công ty tên lửa tư nhân Deep Blue Aerospace thất bại trong thử nghiệm hạ cánh hôm 22/9.
Dù gặp sự cố trong giai đoạn cuối, tên lửa Nebula-1 đã hoàn thành 10 trong 11 mục tiêu của thử nghiệm cất hạ cánh thẳng đứng (VTVL) tại Nội Mông hôm 22/9. Thử nghiệm được coi là sự kiện quan trọng với quá trình phát triển tên lửa tái sử dụng của Trung Quốc, vì đây là lần đầu tiên một tên lửa quỹ đạo, thay vì tên lửa thí nghiệm, được sử dụng.
Theo công ty Deep Blue Aerospace, ba động cơ ban đầu khai hỏa đúng dự kiến, đưa tên lửa lên độ cao lớn. Quá trình hạ cánh cũng mở đầu suôn sẻ, với hai động cơ tắt như kế hoạch. Tuy nhiên, khi tên lửa cố gắng đáp xuống bệ được chỉ định, cơ chế hạ cánh trục trặc, khiến Nebula-1 đâm mạnh xuống, phát nổ và hư hỏng một phần.
Nebula-1 là tên lửa hai tầng đường kính 3,35 m, hoạt động bằng hỗn hợp dầu kerosene và oxy lỏng. Có 9 động cơ Thunder-R1 biến đổi lực đẩy, sản xuất bằng công nghệ in 3D, ở tầng đầu tiên. Tầng thứ hai chỉ trang bị một động cơ duy nhất. Thiết kế này cho phép tên lửa vận chuyển 2.000 kg lên quỹ đạo Trái Đất (LEO) thấp, với phiên bản nâng cấp trong tương lai có khả năng mang tới 8.000 kg lên LEO.
Tháng 5/2022, Deep Blue Aerospace từng thực hiện thành công thử nghiệm phóng lên cao một kilomet và hạ cánh. Tuy nhiên, thử nghiệm hôm 22/9 là lần đầu tiên động cơ Thunder-R, loại động cơ dự kiến dùng cho những vụ phóng lên quỹ đạo, được sử dụng. Các chuyên gia đang xem xét dữ liệu từ những thử nghiệm gần đây để xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố.
Deep Blue Aerospace cho biết, công ty dự định tiến hành thử nghiệm cất hạ cánh thẳng đứng với độ cao lớn tiếp theo vào tháng 11 dựa trên bài học từ lần thử đầu tiên. Ngoài Nebula-1, Deep Blue Aerospace cũng đang phát triển tên lửa Nebula-2 mạnh mẽ hơn, có khả năng vận chuyển 20.000 kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp.
|