Hãng tin Kyodo của Nhật Bản trích dẫn các nguồn tin từ Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay, 21/01/2012, cho biết là Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh cáo nói trên trong chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam vào tháng trước.
Phó chủ tịch TQ Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 12/2011 (REUTERS)
Ông Tập Cận Bình, nhân vật mà theo dự kiến thay thế chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã nhắc lại lời cảnh cáo đó trong các cuộc gặp với tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 20 đến 22/12/2011.Theo hãng tin Kyodo, Trung Quốc được cho là đã gây áp lực lên Việt Nam trong một hành động nhằm chống lại điều mà Bắc Kinh xem là chính sách « bao vây » và « kềm chế » mà chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama thi hành đối với Trung Quốc.
Washington đã cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương và vào năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khiến Bắc Kinh tức giận khi yêu cầu phải đưa tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của những diễn đàn đa phương Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN, trong Trung Quốc vẫn không chấp nhận sự can thiệp của bên ngoài vào hồ sơ này, mà chỉ muốn giải quyết trên cơ sở song phương.
Cũng theo các nguồn tin từ Đảng Cộng sản Việt Nam do Kyodo trích dẫn, chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi gặp chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tại Hawai bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn APEC vào tháng 11 năm ngoái cũng đã đưa ra lời cảnh cáo tương tự, tức là Việt Nam không được quá thân cận với Mỹ.
Những nguồn tin nói trên khẳng định là khi tiếp ông Tập Cận Bình tháng trước, các lãnh đạo Việt Nam đã kêu gọi Trung Quốc giữ bình tĩnh và có thái độ chừng mực, nhấn mạnh là Hà Nội vẫn theo một chinh sách ngoại giao đa phương.
Kyodo nhắc lại là khi tường thuật về cuộc hội kiến giữa ông Tập Cận Bình với tổng bí đảng Nguyễn Phú Trọng, Tân Hoa Xã đã trích lời phó chủ tịch Trung Quốc rằng hai nước « nên giải quyết các bất đồng và mâu thuẫn một cách tích cực và trên cơ sở ưu tiên cho tình hữu nghị và sự phát triển của hai nước, cũng như cho việc duy trì ổn định khu vực »
Thanh Phương
Theo RFI