...dân Mỹ đang tìm lại truyền thống cần kiệm của họ.
Bước vào quý bốn của năm nay, dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế Hoa Kỳ đang gây hứng khởi cho các thị trường thế giới thì việc Quốc hội Mỹ không ngăn nổi một vụ tạm đóng cửa bộ máy công quyền liên bang lại khiến thế giới giật mình. Điễn đàn Kinh tế đi xa hơn những bất trắc trước mắt để tìm hiểu về những thay đổi lớn của kinh tế Hoa Kỳ cho nhiều năm tới.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, các chỉ dấu có tính chất tiên báo như mức tin tưởng của doanh gia, số đơn đặt hàng cho hãng xưởng và hoạt động của khu vực biến chế, v.v... đều cho thấy kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi với cái trớn rất mạnh cho quý bốn của năm nay. Thế rồi mâu thuẫn về ngân sách bùng nổ trong Quốc hội và kéo dài cho đến giờ phút cuối mà không ngăn nổi một vụ đóng cửa bộ máy công quyền liên bang từ rạng ngày mùng một Tháng 10. Nhiều người không hiểu vì sao một siêu cường kinh tế toàn cầu lại để xảy ra một vụ khủng hoảng như vậy. Xin ông giải thích cho nguyên nhân của chuyện này và liệu chúng ta có thể biết rằng tương lai rồi sẽ ra sao không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin thú thật là đã say mê theo dõi từ nhiều tuần nay vì hiểu thêm về sự vận hành của nền dân chủ Mỹ mà cũng không quên khung cảnh dài hạn của nền kinh tế nên không thấy ngạc nhiên. Có lẽ phải nói rằng còn mừng vì kinh tế Hoa Kỳ đang đi hết chu kỳ loay hoay xoay trở để sẽ có một tương lai sáng sủa hơn trong những năm tới! Bây giờ về nguyên do.
- Theo Hiến pháp Mỹ thì Quốc hội có thẩm quyền chuẩn chi mọi khoản chi tiêu của chính quyền liên bang và biểu quyết thành luật, được Tổng thống chấp thuận và ban hành. Tài khóa hàng năm của ngân sách liên bang là từ mùng một Tháng 10 năm này đến 30 Tháng Chín năm sau, nếu Quốc hội chưa thông qua đạo luật ngân sách thì phải biểu quyết đạo luật tạm du di các khoản công chi cho tới cuối năm, sau đó các cơ quan công quyền liên bang mới được phép thanh toán.
- Chuyện thứ hai là từ mấy chục năm nay, ngân sách Hoa Kỳ bị bội chi liên tục, chính quyền liên bang phải đi vay qua việc phát hành trái phiếu do Bộ Ngân khố quản lý, tức là bán giấy nợ lấy tiền thanh toán công chi và phải trả tiền lời. Khoản nợ của khu vực công quyền được gọi là "công trái" và mức vay nợ cũng do Quốc hội quyết định. Khi chính phủ liên bang đã vay rồi mà cần vay thêm thì phải xin Quốc hội nâng định mức đi vay, ta có thể gọi là "trần nợ". Như vậy ta thấy rằng luật lệ của Mỹ có hai cái chốt để kiểm soát việc công chi thu và đại diện người dân là lưỡng viện Quốc hội, gồm có Thượng và Hạ viện, có trách nhiệm chính.
- Tình hình trở thành rắc rối khi Hoa Kỳ bị vụ khủng hoảng tài chính rồi suy trầm kinh tế năm 2008 và cử tri bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ kiểm soát cả hai viện Quốc hội lẫn Hành pháp, với Tổng thống Barack Obama có chủ trương cải tạo để làm thay đổi nước Mỹ. Nhưng sau khi ngân sách bị bội chi quá nặng và gánh công trái lên tới kỷ lục thì qua hai cuộc bầu cử năm 2010 và 2012, dân Mỹ đưa đảng Cộng Hoà nắm đa số tại Hạ viện trong khi đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát Thượng viện và Hành pháp. Khác biệt về quan điểm giữa hai đảng này mới dẫn tới tranh luận về ngân sách và gây khủng hoảng chính trị liên tục từ ba năm nay, hết chuyện nâng trần nợ năm 2011 thì đến vực thẳm tài chính năm 2012, rồi cầm cố ngân sách vào đầu năm nay...
Vũ Hoàng: Ông cho là những gì đang xảy ra trong Quốc hội đã manh nha từ trước nên không ngạc nhiên. Còn quan điểm khác biệt giữa hai đảng là gì mà gây ra mấy năm ách tắc như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin giản lược rằng đảng Dân Chủ coi trọng công bằng xã hội và khả năng can thiệp của nhà nước, còn đảng Cộng Hoà chú trọng đến phát triển kinh tế và muốn giới hạn vai trò của nhà nước. Trong lĩnh vực tài chính công, khác biệt đó về lập trường kết tinh vào hồ sơ ngân sách. Trên đại thể thì đảng Dân Chủ đòi tăng chi và tăng thuế, đảng Cộng Hoà đòi giảm chi và giảm thuế. Còn Tổng thống Obama thì đạt một thắng lợi cải tạo là đạo luật về chế độ bảo dưỡng y tế, thường được gọi nôm na là Obamacare.
- Đây là đạo luật lớn lao, phức tạp và gây tranh luận sôi nổi, được ban hành từ ba năm trước mà sau đó có nhiều sửa đổi để áp dụng từng phần. Một phần chính sẽ được áp dụng từ mùng một Tháng 10 này nên là đầu mối của trận đánh về ngân sách hiện nay. Một số dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà muốn cản đạo luật này và xoay cách này không xong thì tìm cách khác. Sở dĩ không xong là vì dù Hạ viện Cộng Hoà có thông qua nhiều đề nghị thì vẫn bị Thượng viện Dân Chủ lần lượt biểu quyết chống và nếu lọt qua hai viện thì còn gặp lá phiếu phủ quyết của Tổng thống. Kết quả là Quốc hội chưa có văn kiện nào cho phép chuẩn chi nên một số hoạt động của bộ máy công quyền ở cấp liên bang phải tạm ngưng.
Vũ Hoàng: Hậu quả rồi sẽ ra sao khi bộ máy công quyền bị đóng cửa như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi thiển nghĩ kinh tế là ba phần thực tế và một phần ấn tượng; còn chính trị có ba phần ấn tượng và chỉ một phần thực tế vì gây ra cảm quan ấn tượng cũng là một nghệ thuật chi phối cách suy nghĩ và hành động của người khác. Trong những ngày tới, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều giải trình hay bình luận khác biệt để xem là ai có trách nhiệm về chuyện đóng cửa chính quyền vì điều ấy sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới và cuộc tổng tuyển cử năm 2016. Tôi xin được miễn bình luận về chuyện chính trị đó.
- Thật ra, xã hội Hoa Kỳ xoay chuyển vì nhiều động lực khác hơn là vì bộ máy công quyền. Nhiều lĩnh vực sinh hoạt quan yếu và tối cần thiết hoặc các chương trình hoạt động với ngân sách đa niên thì vẫn còn, chứ không phải chính phủ bỗng dưng hết hoạt động. Những ai làm trong khu vực công quyền hoặc doanh nghiệp làm cho công quyền thì bị ảnh hưởng và điều ấy có gây bất lợi về kinh tế và sẽ trở thành vấn đề nếu kéo dài quá lâu.
- Khốn nỗi, tới quãng 17 này, là hơn hai tuần nữa, thì Bộ Ngân khố cũng cho biết là việc đi vay sẽ đụng trần và Quốc hội phải cho nâng trần nợ nếu không Hoa Kỳ sẽ bị vi ước trước thị trường tài chính vì không tôn trọng nghĩa vụ đi vay của mình. Đấy lại là một trận đấu tài chính khác có thể kéo dài hết tháng 10. Kịch bản đó có nghĩa là hậu quả bất lợi về kinh tế sẽ nặng hơn, có khi đẩy lui những thành quả tăng trưởng đã đạt được từ đầu năm.
Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến việc nếu Quốc hội không nâng định mức đi vay tối đa mà ông gọi là "trần nợ" thì Hoa Kỳ gặp tình trạng vi ước trước thị trường tài chính. Điều đó là gì và nếu xảy ra thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng tôi tạm dịch từ chữ "default", vi ước là khi khách nợ vi phạm lời cam kết với chủ nợ, nó nhẹ hơn trình trạng "vỡ nợ" và càng không phải là "phá sản" hay khánh tận. Trường hợp đó mấp mé xảy ra hồi đầu Tháng Tám năm 2011 khiến giá trị khả tín của trái phiếu Hoa Kỳ bị đánh sụt. Nghĩa là các chủ nợ hoài nghi sự đáng tin của khách nợ Mỹ nên đòi phân lời cao hơn. Lần này, nếu Hoa Kỳ trải qua nhiều ngày không được phép vay vì chưa nâng định mức công trái tối đa thì các thị trường tài chính quốc tế sẽ bị rúng động và đấy là điều còn bất lợi hơn nạn đóng cửa chính quyền. Tuy nhiên dù Hoa Kỳ có bị các thị trường nghi ngờ thì cũng không có nghĩa là nước Mỹ sẽ quịt nợ hay vỡ nợ, và nếu so sánh với ba thị trường còn lại là Âu Châu, Nhật và Trung Quốc thì thị trường tài chính Mỹ vẫn an toàn và sâu xa hơn cả.
- Có lẽ bất lợi lớn nhất của vụ này là trong một thế giới bị nguy cơ suy trầm lẫn bất ổn về an ninh và chinh chiến, đệ nhất siêu cường lại không giải quyết được những mâu thuẫn nội bộ khiến các nước hoài nghi khả năng đối ngoại của Hoa Kỳ. Tôi thì lạc quan hơn và cho rằng chính là vụ ách tắc này mới gây phản ứng mạnh trong xã hội Mỹ và giúp Hoa Kỳ hoàn tất việc xoay chuyển qua hướng khác để tìm lại vị trí vững mạnh của mình.
Vũ Hoàng: Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với cách giải thích đầy nghịch lý của ông. Nhưng vì sao ông tin là nước Mỹ sẽ lại vững mạnh hơn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nhắc lại chương trình tuần trước về những liều thuốc đổ bệnh khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính năm 2008. Một trong nhiều vấn đề lưu cữu của xã hội Mỹ là tiết kiệm ít, nên đi vay để tiêu thụ và đầu tư vì vậy mới gây khủng hoảng. Ta không quên tiết kiệm của dân Mỹ từ 12% của lợi tức vào 30 năm trước đã sụt tới 1% trước cơn địa chấn.
- Từ đó và trước những yêu cầu ngày càng lớn về hưu liễm khi thế hệ sinh sau Thế chiến II sẽ lần lượt về hưu, dân Mỹ đang tìm lại truyền thống cần kiệm của họ. Khi họ giảm bớt chi tiêu thì kinh tế sa sút và dù số hàng nhập khẩu vào Mỹ chỉ ở khoảng 12% của tổng số tiêu thụ của nước Mỹ toàn cầu vẫn bị suy trầm. Khi nhà nước tăng chi để kích thích kinh tế thì bội chi và công trái mới gây phản ứng từ người dân qua bầu cử, hậu quả là ách tắc chính trị hiện nay. Bên dưới những phát biểu đầy ấn tượng của giới chính trị khi tranh cử, thì sức tiêu thụ và vị trí của Mỹ kim trên các thị trường tài chính quốc tế mới cho thấy tiềm lực rất lớn của kinh tế Hoa Kỳ.
- Nhìn cách khác, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, dân Mỹ qua 10 năm lạc quan tiêu xài trong một thế giới tưởng là bình an rồi họ hốt hoảng vì vụ khủng bố 9-11. Họ qua 10 năm chiến tranh mà vẫn cứ duy trì mức sống cũ, ví dụ như mỗi ngày nhập hơn một tỷ Kỹ kim từ các nước, và nếu tiết kiệm giảm thì người dân tái tài trợ ngôi nhà để lấy tiền tiêu cho tới khi giá nhà hết tăng và khủng hoảng tài chính bùng nổ. Vì vậy, tôi trộm nghĩ là sau năm năm xoay trở, Hoa Kỳ đang bước qua thời thu vén, vừa triệt thoái khỏi các chiến trường lớn, vừa đẩy cho thiên hạ chia sẻ trách nhiệm về an ninh toàn cầu, vừa chấn chỉnh lại việc chi thu trong nhà, trong nước.
Vũ Hoàng: Một cách cụ thể về kinh tế thì ông cho rằng chuyện gì sẽ xảy ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bi quan trong ngắn hạn và lạc quan hơn về trung hạn năm bảy năm tới. Trước mắt, nước Mỹ phơi bày những hình ảnh luộm thuộm của tấm màn dân chủ ở trên. Bên dưới là sự thay đổi của một xã hội có khả năng thích ứng và sáng tạo từ một dân số dù sao vẫn là trẻ trong khối công nghiệp hoá vì đón nhận di dân và khai thác được kinh nghiệm của tứ xứ.
- Một cách cụ thể thì Hoa Kỳ sẽ xây dựng lại khả năng tiết kiệm đã có và dùng tiềm lực đó giải quyết các vấn đề bên trong, thí dụ như nếu tiết kiệm được 10% lợi tức thì một năm có hơn ngàn tỷ đô la để ra khỏi tình trạng bội chi và nợ nần hiện tại. Hoa Kỳ cũng ít lệ thuộc hơn vào nguồn tiết kiệm hay năng lượng nhập cảng mà có thể tự túc và đấy sẽ là một vấn đề cho nước nào cứ trông chờ vào sức tiêu thụ và nhập khẩu của thị trường Mỹ. Trong khi Âu Châu và Nhật Bản còn chật vật và Trung Quốc lại lao đao hơn nữa vì phải chuyển hướng mà chưa định hướng được, nước Mỹ vẫn vươn lên vị trí cũ, với sức mạnh của đồng đô là mà đồng Euro hay đồng Yen và đồng Nguyên của Trung Quốc chưa thể thay thế được. Để kết luận thì nước Mỹ cứ công khai phơi bày những phê phán về sự tiêu cực của mình, kể cả lời tiên đoán về sự suy tàn của quốc gia, nhưng đấy cũng là cơ hội thật sự tự phê để tự thắng mà nhiều xứ khác không có được.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lối phân tích này.
VB
|
|