Sau hơn nửa thế kỷ biệt tăm, loài vật được cho là đã biến mất bất ngờ xuất hiện trong ống kính của một nhiếp ảnh gia.
Nội dung chính
Công bố bức ảnh đầu tiên chụp loài vật được cho rằng biến mất 50 năm
Loài vật được IUCN phân loại vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng
Vô tình ghi lại hình ảnh của một loài vật quý hiếm
People ngày 17/9 đăng tải thông tin về việc phát hiện loài vật sau hơn 50 năm được cho là đã biến mất. Trong chuyến thám hiểm cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tại dãy núi Nakanai (Papua New Guinea) vào tháng 3/2024, nhiếp ảnh gia Tom Vierus (Fiji) đã vô tình ghi lại hình ảnh của một loài chim quý hiếm - chim ưng New Britain.
Nhiếp ảnh gia Tom Vierus (Fiji) đã vô tình ghi lại hình ảnh của một loài vật quý hiếm. (Ảnh: Tom Vierus)
Ban đầu, Vierus không nhận ra tầm quan trọng của bức ảnh. Phải đến khi WWF công bố phát hiện này vào ngày 13/9, Vierus mới biết mình đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử: "Thật bất ngờ khi bức ảnh này lại là hình ảnh đầu tiên về loài chim được cho là biến mất này! Điều đó cho thấy nhiếp ảnh bảo tồn có thể góp phần bảo vệ các khu vực bằng cách ghi lại sự đa dạng sinh học hiện có".
Phát hiện mới này không chỉ tăng cường hiểu biết về đa dạng sinh học mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tự nhiên trước các nguy cơ từ hoạt động khai thác tài nguyên.
Loài vật được cho là "mất tích" hơn 50 năm
Chim ưng New Britain ( Tachyspiza brachyura ) là một loài chim săn mồi bị đe dọa. Chim ưng New Britain chỉ được tìm thấy trên đảo New Britain của Papua New Guinea.
Lông của chúng có màu xám với phần bụng dưới màu trắng và các điểm nhấn màu cam trên cổ. Đặc trưng nhận diện của chim ưng New Britain là đôi chân lớn. Chúng là loài chim ưng duy nhất ở New Britain có ngón chân giữa dài hơn phần còn lại. Bàn chân của chim ưng New Britain có màu vàng nhạt. Những con chim trưởng thành chỉ dài khoảng 27–34 cm.
Chim ưng New Britain sống trong rừng núi ẩm nhiệt đới đến cận nhiệt đới. Độ cao đạt tới 1.200 đến 1.800 m. Chim ưng New Britain làm tổ giống như các loài chim khác, nơi chúng nuôi con non. Người ta biết rất ít về loài này vì chúng rất hiếm và các khu vực mà chúng sinh sống vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Môi trường sống của loài chim này đang bị suy giảm nghiêm trọng do việc phá hủy rừng nguyên sinh, nhất là ở các khu vực rừng đất thấp. Sự mất mát môi trường sống, đặc biệt trên các đảo nhỏ, đã làm giảm số lượng môi trường sống an toàn cho loài này, làm tăng nguy cơ bị tổn thương.
Hiện chưa có biện pháp bảo tồn cụ thể nào được áp dụng, nhưng đã có đề xuất về việc tiến hành khảo sát để xác định số lượng cá thể và theo dõi tổ chim, cùng với việc lập bản đồ cho những khu rừng còn lại. Các nhà khoa học có ý định thúc đẩy các dự án bảo tồn dựa vào nỗ lực của cộng đồng để tạo ra các khu bảo tồn lớn hơn.
Chim ưng New Britain được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân loại là loài có nguy cơ tuyệt chủng. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ước tính vào năm 2016, có khoảng 2.500 đến 9.999 cá thể chim ưng New Britain trưởng thành. Tuy nhiên, do tính chất khó nắm bắt của loài chim này, các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc xác nhận thông tin cụ thể.
Giám đốc John Mittermeier của chương trình Tìm kiếm các loài chim bị mất tích tại Tổ chức Bảo tồn Chim Mỹ (American Bird Conservancy) cho biết, tài liệu cuối cùng ghi nhận sự xuất hiện của loài chim ưng này là vào năm 1969, được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (New York) nhưng không bao gồm hình ảnh. Kể từ đó, loài chim này "mất tích" trong suốt 55 năm nên mọi ghi chép về hình ảnh, âm thanh và mẫu vật về chúng đều không có.
Sau phát hiện chấn động này, chính quyền địa phương đã đề nghị WWF mở rộng các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã tại Pomio, Đông New Britain. Martha Eimba, nhà quản lý cảnh quan Pomio của WWF-Papua New Guinea, cho biết WWF "đã bắt đầu quá trình hợp tác để hiểu rõ các mối đe dọa, cơ hội sinh kế và bối cảnh xã hội" nhằm bảo vệ các loài quý hiếm của Papua New Guinea và tạo ra một chương trình bảo tồn hiệu quả.
Đây không phải là lần đầu tiên một loài động vật được tái phát hiện tại Papua New Guinea - nơi sở hữu "khu rừng nhiệt đới nguyên vẹn lớn thứ ba trên thế giới". Năm 2022, một loài bồ câu quý hiếm đã được chụp ảnh, đánh dấu lần đầu tiên loài chim này được ghi nhận sau 140 năm. Mittermeier cho rằng ghi nhận được hình ảnh chim bồ câu gáy đen là "khoảnh khắc trong mơ của bất kỳ nhà bảo tồn và người theo dõi chim nào".
VietBF@ Sưu tập