Là một tác phẩm cổ trang được đầu tư bài bản nhằm khai thác các yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam, Cám được khán giả đánh giá cao về phần tạo hình khi NSX có sự đầu tư kỹ lưỡng, đảm bảo tính thẩm mỹ bên ngoài lẫn những ý nghĩa ẩn giấu bên trong. Đặc biệt, nếu để ý kĩ những chi tiết trên trang phục của Tấm và mẹ kế, bạn sẽ phát hiện ra một số phụ kiện khá thú vị.
Tấm
Ở phân cảnh tiến cung, Tấm có tạo hình phức tạp nhất phim với bộ trang phục được chuẩn bị trong nửa năm cùng nhiều phụ kiện quan trọng khác như ngọc bội, trâm cài. Diện mạo của nhân vật được tham khảo kết hợp giữa các tư liệu lịch sử khác nhau như: hình ảnh Hoàng hậu thời Lê Trung Hưng, ảnh chụp nữ nhân thời Nguyễn trong lễ hội, con dâu nhà quyền quý thời Nguyễn - Bà Hoàng Thị Lý (con gái tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu).
Chi tiết nhỏ mà khán giả có thể bị bỏ qua nhưng lại chứa đựng dụng ý và sự tỉ mỉ của ekip là là miếng ngọc bội của Tấm được ekip nghiên cứu từ miếng ngọc của quý tộc Việt, từng xuất hiện trong sử sách thời nhà Thanh. Ngày xưa 2 thứ dùng làm đồ trang sức cho phụ nữ quý tộc được gọi là Ngọc cư và Ngọc đế.
Ngoài ra, như chúng ta đã biết theo nguyên tác Tấm Cám, khi Tấm chết sẽ hoá thành chim vàng anh bay lên tay áo thái tử. Và trong dị bản Cám, hoạ tiết chim vàng anh đã xuất hiện trên các phụ kiện của Tấm từ khi trở thành Thái tử phi như trâm cài và chiếc hài của nàng.
Nhân vật bà kế là nhân vật nữ được đầu tư về mặt phục trang cầu kỳ chỉ đứng sau nhân vật Tấm trong phim. Để khắc hoạ hình ảnh phu nhân quyền quý thời xưa, bà kế được chuẩn bị 6 phục trang bao gồm: bộ đời thường, bộ đi ngủ, bộ đi chùa, bộ đi hội, bộ tiến cung với Tấm và bộ khi trở về quê nhà.
Đáng chú ý, vì có địa vị phu nhân trong gia đình có địa vị, nhân vật của Thúy Diễm thường xuất hiện với quạt tay và chuỗi ngọc trai đủ màu, đồng bộ với sắc thái trang phục nhằm thể hiện sự cao sang. Đây cũng là nhân vật có tính cách linh hoạt, thiện - ác mâu thuẫn, do đó quần áo cũng có sự luân chuyển về màu sắc tượng trưng cho các giai đoạn thăng trầm của nhân vật này.
Bộ trang phục trong ngày đi hội của Bà Kế là sự kết hợp của áo tứ thân tay thụng, tràn vạt, đeo thêm trang sức ngọc, tà tích, tay cầm quạt. Tất cả những chi tiết này được nghiên cứu từ trang phục của phụ nữ đi hội thời Nguyễn, đồng thời được NSX tham khảo từ các chất liệu dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Làng Sình của người Việt.