Mặc dù Ngày bầu cử (5/11 theo giờ địa phương) đang ở những phút gay cấn nhưng người dân Mỹ không thể quên nghĩ tới quá trình chuyển giao quyền lực. Họ luôn được nhắc nhở về một câu "thần chú" với mong muốn những "tiền lệ" xấu không lặp lại.Theo dõi Baoquocte.vn trên
Ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa phát biểu trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông tại Van Andel Arena ở Grand Rapids, Michigan, sáng sớm ngày 5/11. (Nguồn: AFP)
“Tại một thời điểm, Mỹ chỉ có duy nhất một tổng thống”
Trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ 2024, người dân nước này thường xuyên được nhắc nhở về câu "thần chú" trên, liên quan đến quá trình chuyển giao quyền lực.
Đảng Dân chủ đang cảnh báo rằng, nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử, ông sẽ không tuân thủ các quy tắc và nghi thức chuyển giao quyền lực, tương tự lần trước khi ông thắng vào năm 2016.
Một trong những nguyên tắc của quá trình chuyển giao quyền lực là tổng thống đắc cử không làm suy yếu tổng thống sắp mãn nhiệm bằng cách can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách trong giai đoạn trước khi nhậm chức.
Điều này đặc biệt đúng đối với chính sách đối ngoại. Các tổng thống trước đây đã đảm bảo rằng tại một thời điểm, Mỹ chỉ có duy nhất một tổng thống.
Năm 1992, Tổng thống Bill Clinton đã nhấn mạnh điểm này. Ngay sau khi giành chiến thắng, ông đã kêu gọi “các đối tác và kẻ thù của Mỹ công nhận, như tôi đã công nhận, rằng tại một thời điểm, Mỹ chỉ có duy nhất một tổng thống”.
Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama cũng đã làm như vậy.
Tuy nhiên, vào năm 2016, đã có sự phản đối kịch liệt khi ông Donald Trump mới đắc cử thực hiện một số động thái được coi là vi phạm truyền thống đã được ghi nhận trong luật.
Cụ thể, Đạo luật Logan năm 1799 cấm công dân Mỹ trao đổi thư từ hoặc đàm phán trái phép với các chính phủ nước ngoài làm suy yếu vị thế của chính phủ. Theo các nhà sử học về tổng thống, luật này nhằm bảo vệ quyền hạn của tổng thống theo Hiến pháp, nhất là trong quan hệ với các quốc gia nước ngoài.
Năm 2016, nghị sĩ Jared Huffman của đảng Dân chủ đã đưa dự luật mang tên "Đạo luật Một tổng thống tại một thời điểm" ra nghị viện để sửa đổi Đạo luật Logan nhằm "đảm bảo rằng chính sách đối ngoại của Mỹ chỉ được chỉ đạo bởi tổng thống đương nhiệm" và áp dụng luật này cho các tổng thống đắc cử sau này.
Mặc dù nghị quyết không được thông qua, nhưng có thể hiểu rằng Đạo luật Logan được áp dụng cho các tổng thống đắc cử tương tự đối với công dân Mỹ. Nhiều người đã viện dẫn Đạo luật Logan khi chỉ trích Tổng thống đắc cử Trump về hai động thái mà ông từng thực hiện sau cuộc bầu cử năm 2016.
Đầu tiên là cuộc điện đàm vào tháng 12 giữa ông và lãnh đạo chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), cuộc điện đàm đầu tiên của một tổng thống đắc cử Mỹ kể từ năm 1979.
Thứ hai là sự phản đối của ông về việc chính quyền Barack Obama bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Israel chấm dứt các hoạt động chiếm đóng.
Tổng thống đắc cử Trump thời điểm đó đã can thiệp với tư cách cá nhân và chưa từng có tiền lệ, thông qua các cuộc điện đàm (được thư ký báo chí của ông xác nhận) với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mà ông được cho là đã thảo luận về nghị quyết này.
VietBF@ sưu tập