Canada đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong
Canada thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ và xuất khẩu vật tư quân sự cho Hong Kong, sau khi Trung Quốc áp luật an ninh mới.
"Canada sẽ coi việc xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm tới Hong Kong giống như Trung Quốc đại lục, điều này có hiệu lực ngay lập tức. Canada sẽ không xuất khẩu vật tư quân sự nhạy cảm cho Hong Kong", Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết trong thông cáo ngày 3/7. "Canada cũng đình chỉ Hiệp ước Canada - Hong Kong", thoả thuận giữa chính phủ Canada và chính quyền Hong Kong về giao nộp tội phạm trốn chạy, được ký ngày 13/6/1997, trước thời điểm Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc.
Theo thỏa thuận, Canada và Hong Kong sẽ dẫn độ nghi phạm bị cáo buộc tội giết người, hỗ trợ hoặc xúi giục tự sát, tấn công gây thương tích, bắt cóc, buôn bán ma túy và một số tội danh khác.
Bắc Kinh bị nhiều nước chỉ trích khi quyết định áp luật an ninh mới với đặc khu hành chính Hong Kong. Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong và nhiều quốc gia cho rằng đạo luật vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", vốn được quy định trong Tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984, làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong.
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne trong cuộc họp báo tại London, Anh, ngày 16/1. Ảnh: AFP.
"Canada cùng cộng đồng quốc tế nhắc lại quan ngại sâu sắc về việc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. Đạo luật được ban hành trong tiến trình bí mật, không có sự tham gia của cơ quan lập pháp, tư pháp và người dân Hong Kong, đồng thời vi phạm nghĩa vụ quốc tế", Ngoại trưởng Champagne cho biết.
"Tiến trình này thể hiện sự xem nhẹ Luật Cơ bản của Hong Kong và tính tự trị cao của đặc khu theo khuôn khổ 'một quốc gia, hai chế độ'. Vai trò trung tâm toàn cầu của Hong Kong được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc này. Do điều này không còn, Canada buộc phải đánh giá lại những thỏa thuận đã có", theo thông cáo của Ngoại trưởng Canada.
Champagne cho biết Bộ Ngoại giao Canada cập nhật cảnh báo đi lại với Hong Kong, nhằm "khuyến cáo công dân về những ảnh hưởng tiềm tàng của luật an ninh mới". Ngoại trưởng Canada khẳng định nước này sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để "bảo vệ quyền con người và quy tắc luật pháp trên thế giới", hỗ trợ các "trao đổi có ý nghĩa" với Hong Kong và "đứng về phía người dân" tại đặc khu hành chính.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo nước này có thể triển khai một số biện pháp đáp trả, bao gồm các biện pháp liên quan đến nhập cư, song không nêu chi tiết.
Canada và Trung Quốc rơi vào căng thẳng trên lĩnh vực ngoại giao lẫn thương mại hồi cuối năm 2018, khi cảnh sát Canada bắt Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.
Luật an ninh Hong Kong hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Quyền tự trị Hong Kong ngày 2/7 và sẽ trình lên Tổng thống Donald Trump. Theo dự luật này, Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ Trung Quốc thực thi luật an ninh, hạn chế quyền tự chủ của Hong Kong. Đối tượng bị trừng phạt có thể là các quan chức Trung Quốc, cảnh sát Hong Kong hoặc các ngân hàng hợp tác với những quan chức thực thi luật an ninh.
Trung Quốc cảnh báo đáp trả nếu Mỹ xúc tiến dự luật nói trên, đồng thời yêu cầu các nước không can thiệp công việc nội bộ liên quan tới vấn đề Hong Kong. Trung Quốc cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng luật an ninh làm suy giảm quyền tự trị của Hong Kong.