Tại California, người phụ nữ 25 tuổi, được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú khi mang thai 6 tháng, sau đó đã sinh con an toàn và đánh bại căn bệnh.
Katie Feaster, trú ở Nam Carolina, cho biết cô phát hiện một khối u ở vú nên đã đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung thư, vào tháng 6/2021. Sau khi siêu âm, vị bác sĩ nói rằng khối u chỉ mô vú bình thường, không có điều gì bất ổn.
Ba ngày sau, cô phát hiện mình có thai. "Tôi đã rất chấn động vì tôi vẫn còn cảm giác suy sụp do nỗi sợ bệnh ung thư vú, mà sau đó hóa ra không phải. Nhưng thật tuyệt khi phát hiện mình có thai", Feaster chia sẻ.
Mãi đến tháng 11/2021, Feaster mới được chẩn đoán chính xác mắc ung thư vú bộ ba âm tính - là dạng ung thư vú ít phổ biến và khó điều trị nhất.
"Khi tôi mang thai được 6 tháng, khối u ngày càng lớn. Tôi đã chuyển sang chỗ khám khác và được khuyên nên đi kiểm tra để tâm trí thoải mái. Vì vậy, tôi đã siêu âm lại, nhưng họ không thể chụp X quang vì tôi đang mang thai. Họ quyết định sinh thiết, hai ngày sau đó, tôi được thông báo khối u đó là ung thư", người phụ nữ kể lại.
Ung thư vú ở phụ nữ trẻ rất hiếm xảy ra và ung thư vú khi mang thai thậm chí còn hiếm hơn, với tỷ lệ mắc là 1/3.000 phụ nữ mang thai, theo Cancer Research UK.
Các bác sĩ quyết định điều trị hóa trị cho cô ngay lập tức do bệnh ung thư đã chuyển sang giai đoạn nguy cấp. "Đó không phải là một căn bệnh ung thư tiến triển chậm. Họ không thể đợi cho đến khi tôi sinh con. Vì vậy, tôi đã thực hiện ba đợt hóa trị khi mang thai, rồi thực hiện thêm 4 đợt sau khi con gái chào đời", Feaster nói.
Katie Feaster và con gái. Ảnh: Newsweek
Theo tiến sĩ Karen Hendershott, bác sĩ phẫu thuật ung thư vú tại Arizona Oncology, hầu hết phương pháp điều trị ung thư vú có thể được thực hiện trong những tháng cuối thai kỳ, gồm cả phẫu thuật và hóa trị.
Tuy nhiên, một số phương pháp có thể gây hại cho thai nhi bất cứ thời điểm nào, nên đa số bác sĩ cố gắng không sử dụng. Mặt khác, theo tiến sĩ Troy Gatcliffe, bác sĩ chuyên khoa ung thư phụ khoa tại Viện Ung thư Miami, có những tác nhân hóa trị liệu an toàn cho bà mẹ mang thai, tức không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
"Một số hình thức hóa trị có mức rủi ro chấp nhận được đối với thai nhi, đặc biệt khi so sánh với tính mạng người mẹ đang hết sức nguy kịch", ông nói, thêm rằng rủi ro lớn nhất là tăng khả năng em bé chào đời trước ngày dự sinh và trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về nhận thức cao hơn.
Sau thời gian mang thai đầy thử thách, vào tháng 2 năm ngoái, Feaster sinh một bé gái khỏe mạnh ở tuần thứ 35 của thai kỳ.
Sau 7 đợt hóa trị và phẫu thuật cắt bỏ hai vú, cơ thể Feaster hiện sạch tế ung thư. Sau những biến cố, cô thấy may mắn khi phát hiện ung thư muộn, giúp thai nhi trong bụng phát triển cho đến giai đoạn an toàn để hóa trị.
"Nếu phát hiện ung thư sớm, rõ ràng bác sĩ sẽ yêu cầu tôi điều trị ngay lập tức. Vì vậy, tôi thực sự rất biết ơn. Đó chắc hẳn là một phép màu, giúp bảo vệ con tôi. Thật khó để nói việc chẩn đoán sai là phép màu nhưng trong trường hợp của mình, tôi không thể gọi khác được", người mẹ tâm sự.
VietBF@ sưu tập
|