Joel Mason, chuyên gia tiêu hóa tại Đại học Tufts, cho biết thiếu sắt là dấu hiệu sớm của ung thư đại trực tràng ở người trẻ tuổi.
Ung thư đại trực tràng thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ở người dưới 50 tuổi tăng đều kể từ những năm 90. Tiến sĩ Joel Mason, chuyên gia tiêu hóa tại Đại học Tufts, cho biết bên cạnh chảy máu trực tràng hay thay đổi thói quen đại tiện, thiếu máu do thiếu sắt là triệu chứng phổ biến của bệnh này.
"Tôi không muốn gây lo lắng cho người trẻ, nhưng xu hướng này rất đáng lo ngại, cần cảnh báo để mọi người chú ý hơn đến các triệu chứng", ông nói.
Theo nghiên cứu, 30% đến 75% bệnh nhân ung thư đại trực tràng bị thiếu máu, thiếu sắt. Tiến sĩ Waqqas Tai, chuyên gia ung thư tại Brooklyn, nhận định một người đàn ông bình thường, khỏe mạnh sẽ không gặp tình trạng thiếu máu. Đối với phụ nữ không trong kỳ kinh nguyệt quá nặng nề, hemoglobin nên duy trì ở mức bình thường. Vì vậy, khi một người "có vẻ khỏe mạnh" bị thiếu máu, thiếu sắt, họ nên cân nhắc nội soi trực tràng.
Trong nghiên cứu công bố trên Frontiers in Immunology, các nhà khoa học Đức cho biết giảm lượng sắt và nồng độ sắt toàn thân có liên quan đến sinh bệnh học của ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, quá nhiều sắt cũng nguy hiểm như thiếu sắt.
Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều sắt có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi và đại trực tràng, bởi khối u sử dụng sắt dư thừa để phát triển. Sắt dư thừa cũng tích tụ trong gan, gây độc. Do đó, mọi người cần lưu ý lượng sắt nạp vào cơ thể. Như vậy, cần cân bằng lượng sắt dung nạp, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa sắt.
Thiếu sắt là một trong những vấn đề dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới. Nghiên cứu gần đây trên JAMA Network Open cho thấy, 29% người Mỹ trưởng thành bị thiếu sắt, gần một phần ba dân số nước này có thể bị thiếu sắt mà không được chẩn đoán.
Theo Hiệp hội Huyết học Mỹ, thiếu sắt tuyệt đối, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ, trẻ em, người ăn chay, là tình trạng giảm hoặc không có "dự trữ" sắt. Thiếu sắt chức năng là hiện tượng cơ thể có đủ dự trữ sắt nhưng không thể sử dụng hiệu quả.
Thiếu sắt làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại bệnh tật. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, yếu sức, tay chân lạnh, đau ngực, da xanh xao, chán ăn, khó thở, chóng mặt, đau đầu. Một số người thèm những thứ không phải thực phẩm như đá, đất, giấy, thậm chí cả đất sét.
Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu. Khi số lượng hồng cầu thấp, cơ thể khó hấp thụ sắt, chế độ ăn không đủ thực phẩm giàu sắt hoặc mất máu nhiều hơn lượng máu cơ thể có thể thay thế. Thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, rau bina, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và trứng.
|
|