Theo tiến sĩ dinh dưỡng Caroline Apovian, thực phẩm chứa nhiều muối, đường và chất béo chuyển hóa gây béo bụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.
Béo bụng là tình trạng vòng eo tích mỡ khiến bụng phình to bất thường. Có hai loại mỡ bụng gồm mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Mỡ dưới da nằm ngay bên dưới da, mềm, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ít gây hại cho sức khỏe. Mỡ nội tạng gồm các chất béo bám quanh các cơ quan nội tạng như gan, ruột, tiềm ẩn nhiều tác hại cho sức khỏe. Người béo bụng thường có lượng mỡ dưới da và mỡ nội tạng cao. Tiến sĩ Caroline Apovian, chuyên gia dinh dưỡng người Pháp, cho biết để ngăn ngừa tình trạng béo bụng, bạn nên hạn chế sử dụng một số loại thực phẩm sau.
1. Thực phẩm chứa nhiều muối
Tiến sĩ Caroline Apovian cho biết thực phẩm chứa nhiều muối kích thích vị giác, khiến bạn thèm ăn, có xu hướng ăn nhiều hơn. Sau khi ăn các món ăn có vị mặn, bạn thường muốn uống ngọt, nước có gas để trung hòa vị giác. Đây đều là những thực phẩm chứa lượng calo cao, dễ gây tăng cân. Muối còn gây tích nước, dẫn đến tình trạng đầy hơi, béo bụng.
2. Thực phẩm chứa nhiều đường
Theo tiến sĩ Caroline Apovian, hầu hết chúng ta đều không nhận ra mình đang tiêu thụ nhiều đường hơn mức khuyến nghị hàng ngày. Đường có nhiều trong sữa, sữa chua, bánh ngọt, bánh nướng, ngũ cốc, nước uống đóng chai, nước uống có gas... Những thực phẩm này cung cấp lượng đường lớn, chứa nhiều calo, gây tăng tổng lượng calo nạp vào cơ thể. Dư thừa calo gây tăng cân, tích tụ mỡ bụng.
3. Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa có nhiều trong các loại thực phẩm đóng gói, đồ ăn chế biến sẵn như khoai tây chiên, bánh quy, bánh ngọt, bim bim, đồ hun khói... Chúng không chỉ gây tăng cân, tăng tích mỡ bụng mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất béo chuyển hóa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, tăng nguy cơ kháng insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư và nhiều bệnh lý mãn tính khác.
|