Vẻ ma mị của rừng nguyên sinh trên đường lên đỉnh Tà Xùa khiến Trần Văn Linh đắm chìm, quên đi chiếc balo nặng 15 kg trên người.
Cung đường leo lên đỉnh Tà Xùa nổi tiếng trong giới xê dịch nhờ cảnh sắc mê hồn và hùng vỹ. Đỉnh Tà Xùa cao 2.865 m, là nơi giáp ranh hai huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La). Tà Xùa quyến rũ mọi tâm hồn mê du lịch với biển mây trắng xóa cuồn cuộn, lãng đãng giữa những dãy núi cao. Hình ảnh được nhiếp ảnh gia Trần Văn Linh (sinh năm 1994) chụp vào chiều hoàng hôn tại lán nghỉ thứ nhất. Khung cảnh như chốn thần tiên này là khoảnh khắc anh từng mơ ước được thấy tận mắt.
Trần Văn Linh là một nhiếp ảnh gia du lịch, có kết nối sâu sắc với thiên nhiên. Khoác trên vai chiếc balo đồ nghề nặng 15 kg, anh dường như không thấy mệt mỏi khi thực hiện trekking qua cánh rừng trên đường đến đỉnh Tà Xùa đẹp ma mị, cổ tích.
Linh ngẩn ngơ từ khi đặt những bước chân đầu tiên vào cánh rừng. Nắng chiếu len qua những tán cây cổ thụ khiến mọi thứ nửa thực, nửa hư. Mô tả về cảm giác lúc ấy, Linh dùng từ "sung sướng" do mọi thứ đẹp hơn những gì anh mong đợi trước chuyến đi.
Mục đính chính của Linh cho chuyến đi này là ghi lại được những tấm ảnh có hồn, miêu tả được vẻ đẹp hoang dã của khu rừng nguyên sinh Tà Xùa. Anh hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho bạn bè trong và ngoài nước về những chuyến đi trải nghiệm chụp ảnh thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam.
Khi không có nắng, khu rừng nguyên sinh lại âm u, kỳ bí. Khu rừng nguyên sinh với những cây dương sỉ trải khắp nền rừng, một vài cây đã chuyển màu lá. Chuyến đi Tà Xùa được Linh thực hiện vào tháng 11, khi đây là lúc giao mùa, nhiếp ảnh gia có thể bắt được những màu vàng, màu đỏ của mùa thu giữa cánh rừng phủ đầy rêu xanh.
Linh chia sẻ, khu rừng đa dạng về hệ thống thực vật,. Nổi bật nhất là những cây đỗ quyên uốn éo, mang những hình thù kỳ dị đầy chất cổ tích.
Tổng quãng đường Linh leo mất khoảng 37 km. Anh chia sẻ hành trình của mình mất nhiều thời gian hơn bình thường do vừa đi vừa quay phim, chụp ảnh còn đường thì dốc liên tục. Cung đường mòn tự nhiên, nhiều đoạn dốc, đất đá trơn trượt, thử thách sức bền và sự kiên nhẫn của du khách.
Để thu về những bức ảnh chụp rừng đẹp và có hồn không phải chuyện đơn giản. Linh chia sẻ, trong rừng xung quanh là cây cối rậm rạp, không gian đặt thiết bị khá hẹp. Ngoài ra, rừng ở trên núi có độ cao gần 3.000 m nên gió lớn, dễ làm cây cối, lá cây rung chuyển. Ánh nắng trong rừng rất yếu nên cần biết cân bằng thông số máy ảnh để có một bức ảnh chất lượng.
Trang phục, thiết bị quay chụp nên tối ưu gọn nhẹ, hiệu quả để tránh mất sức. Trên núi không có dịch vụ ăn uống nên Linh phải mang theo đủ lượng nước và thực phẩm đủ cho số ngày sống trên núi.
Như một câu chuyện cổ tích có hậu, Linh như vỡ òa khi đặt chân đến khu rừng tại vị trí đỉnh cao nhất của Tà Xùa lúc 14h ngày thứ 3 của hành trình. Khu rừng cổ tích tặng anh những tia nắng như món quà chiến thắng. Ước mơ chinh phục đỉnh Tà Xùa của anh đã được hoàn thành một cách rực rỡ.
Theo cá nhân của Linh, để có một bức ảnh chụp rừng đẹp phải đạt được 3 yếu tố chính. Thứ nhất, đó là tự nhiên, mô tả được chân thực không gian rừng. Thứ 2, đó là kết hợp được tất cả các loại thực vật nổi bật, ánh sáng đẹp, màu sắc, không gian vào cùng một khung hình. Cuối cùng, bố cục phải gọn gàng, không bị rối.
"Lạc" trong rừng cổ tích, Linh cũng đã có những trải nghiệm thú vị. Lần đầu tiên anh phải trải nghiệm ăn uống, nghỉ ngơi trên núi cao. Mọi thứ đều được chế biến đơn giản, có thể không ngon như bữa ăn thường ngày nhưng khi đó chúng lại ngon như ăn trong nhà hàng. Ngoài ra, anh còn được ăn những trái cây rừng cực kỳ lạ trên đường đi, phải có chỉ dẫn của người bản địa để không bị ăn linh tinh. Đêm xuống, anh nhìn lên trời ngắm trăng. Ở độ cao này, trăng to và sáng hơn. Rừng và trời Tà Xùa ấn tượng khiến khi xuống đến chân núi, Linh vẫn không thể nào gạt những hình ảnh cổ tích ra khỏi đầu.