Có bao nhiêu thương lái cũng thu mua hết bấy nhiêu với điều kiện không bị ướt, không trộn thêm tro bếp hoặc bọ hóng.
Đối với các hộ gia đình, nhọ xoong nồi từ trước đến nay không có giá trị kinh tế, thường được cạo bỏ đi sau khi đun nấu trong thời gian dài và bị bám quá nhiều.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngoài thu mua các loại nông sản, dược liệu, thương lái tại một số địa phương còn thu gom cả nhọ xoong nồi với giá từ 20-300 nghìn đồng/kg khiến nhiều người bất ngờ.
Nhọ nồi được mua với giá cao khiến nhiều người bất ngờ.
Chị Nguyễn Thị Hương, trú tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, chị thấy có một vài người đi thu mua nhọ xoong nồi với giá 150 nghìn đồng/kg.
“Tôi tưởng họ đùa, mang hết xoong nồi trong nhà ra cho họ, không ngờ họ tự lấy thanh sắt mỏng, cạo vào túi nilon và trả cho tôi 150 nghìn đồng/kg. Gần chục cái nồi nhà tôi tự dưng được vệ sinh sạch sẽ, lại còn được thêm tiền”, chị Hương kể.
Lớp nhọ nồi xuất hiện khi đun nấu bằng bếp củi.
Theo chị Hương, việc thu mua nhọ xoong nồi năm nay mới xuất hiện nên ai cũng thấy lạ. Cả xóm thấy chị bán được tiền nên đều cạo nồi lấy nhọ mang đi bán.
Với các nhà đun nấu nhiều, lâu không vệ sinh bên ngoài nồi thì khoảng 10 chiếc nồi sẽ cạo được 1kg nhọ nồi. Chỉ trong một buổi chiều, cả xóm chị Hương gom được 12kg nhọ nồi.
Hàng chục cân nhọ nồi được bán cho thương lái.
“Họ chỉ mua nhọ nồi khô, cạo ở xung quanh thành nồi chứ không được cạo ở đáy nồi vì lớp nhọ ở đáy thường kết lại thành tảng, cứng và rắn. Ngoài ra, nếu ai trộn thêm tro bếp hoặc bồ hóng vào thì họ cũng không mua”, chị Hương nói.
Với những chiếc nồi lớn có thể cạo được cả cân nhọ nồi.
Tại Hàm Yên (Tuyên Quang), Văn Bàn (Lào Cai), Mường Ảng (Điện Biên) và một số tỉnh thành khác cũng có rất nhiều thương lái gom mua nhọ xoong nồi với giá dao động từ 20-300 nghìn đồng/kg.
Anh Lâm Thanh Trường, trú tại Quỳ Hợp (Nghệ An), cho hay toàn bộ nhọ xoong nồi được thu mua là để cung cấp cho bạn hàng Trung Quốc, có bao nhiêu họ thu mua hết bấy nhiêu, số lượng không giới hạn.
Nhọ nồi không được lẫn bồ hóng hay tro bếp, ngoài ra, không lấy lớp nhọ ở đáy nồi.
“Mới đầu đi thu mua, ai cũng tưởng trêu đùa vì từ trước đến nay, nhọ nồi toàn cạo vứt đi cho sạch nhà, làm gì có ai mua bao giờ. Sau này, biết là tôi mua thật thì hầu như nhà nào đun nấu bằng bếp củi, có nhọ nồi cũng đi cạo. Người ít thì được vài lạng, nhiều được cả cân vì nhọ nồi nặng”, anh Trường nói.
Theo anh Trường, bản thân anh chỉ đi gom mua những loại hàng khi có đơn đặt hàng, nghe mọi người bảo nhau là mua về để chế biến thành thuốc, thuốc gì thì anh cũng không rõ.
Hàng nghìn người tỏ ra thích thú trước thông tin có người thu mua nhọ nồi. (Ảnh chụp màn hình).
Từ đầu tháng 9 đến nay, anh gom được vài tạ, giá từ vài chục nghìn lên đến cả trăm nghìn đồng/kg, cao nhất là 300 nghìn đồng/kg.
“Mới đầu gom thì chưa biết chất lượng, giá nhập bao nhiêu cũng như chưa xác định được có rủi ro hay không nên tôi thu mua rẻ hơn. Dần dần giá cao hơn”, anh Trường cho biết.
Trong Đông y, nhọ xoong nồi được gọi là bách thảo sương, là một vị thuốc quen thuộc được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như kiết lỵ, thổ huyết, chảy máu cam, động thai.
Theo giải thích của y học cổ truyền, nhọ nồi được tạo thành từ hàng trăm loại cây (bách thảo), được đốt cháy thành lớp khói bám vào thành nồi, khi tán thành bột mịn thì nhẹ như sương nên gọi là bách thảo sương.
Nhọ nồi chỉ hình thành nhiều khi đun nấu bằng bếp củi.
Ở nước ta, bách thảo sương được lấy từ các gia đình ở vùng nông thôn, sử dụng rơm rạ hoặc cây củi để nấu thức ăn. Trong đó, phần muội đen được cạo từ xung quanh nồi đất nấu cơm sẽ có giá trị dược liệu cao nhất.
Tuy nhiên, hiệu quả và mức độ an toàn của vị thuốc này chưa được y học hiện đại chứng minh. Do đó, trước khi dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và thầy thuốc đông y. Đặc biệt, bách thảo sương không phải là bồ hóng hay còn gọi là ô long vĩ, có màu đen hoặc nâu, tính chất không mịn, tránh sử dụng nhầm dược liệu.