Lái xe đường đèo dốc vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng trong thời tiết xấu như mưa lớn, cánh tài xế phải cẩn thận hơn rất nhiều lần. Đối với những lái mới, kinh nghiệm dưới đây sẽ là rất hữu ích.
Những ngày gần đây, mưa lớn đã khiến nhiều khu vực ở Tây Bắc, Tây Nguyên bị sạt lở đất, gây tê liệt giao thông và nguy hiểm cho người cũng như phương tiện trên đường.
Trên thực tế, điều khiển xe đường đèo dốc lại gặp thêm thời tiết mưa bão được đánh giá là khó khăn hơn rất nhiều so với điều kiện bình thường. Do vậy, cánh tài xế nhất là lái mới cần đặc biệt chú ý khi phải điều khiển xe trong những tình huống nói trên.Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Thanh Tùng - người có kinh nghiệm gần 20 "ôm vô lăng" và đang là giáo viên thực hành lái xe tại Hà Nội cho rằng, việc lái xe đường đèo dốc lại dưới điều kiện mưa lớn hội tụ rất nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến an toàn.
Theo anh Tùng, đi đường đèo dốc gặp mưa sẽ làm tầm nhìn giảm xuống, gây ra trơn trượt, khó quan sát và kiểm soát chiếc xe hơn, đây chính là 2 yếu tố có thể dẫn đến nguy hiểm khi điều khiển phương tiện. Ngoài ra, tài xế có thể phải đối diện với một số rủi ro không ai mong muốn như lở đất, nước ngập, cây đổ,...
Và dưới đây là một số lời khuyên của vị chuyên gia này khi lái xe trời mưa bão ở những cung đường đèo dốc được an toàn:
1. Luôn đi chậm, không phanh gấp
Khi lái xe dưới trời mưa và tầm nhìn xa hạn chế, tốc độ xe nên duy trì chậm hơn điều kiện bình thường khoảng 5-15 km/h để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, khi đi đường đèo dốc vào lúc thời tiết bất lợi khiến đường trơn, khoảng cách phanh hiệu quả của xe sẽ lớn hơn do ma sát giảm.
Trong điều kiện như vậy, lái xe cũng tuyệt đối không được phanh gấp bởi ma sát giảm khiến những cú phanh đột ngột có thể làm xe phía sau tông vào. Đặc biệt là khi đổ đèo thời tiết mưa ẩm, những cú phanh đột ngột có thể khiến xe bị văng đuôi, mất lái rất nguy hiểm.
Chuyên gia cũng khuyên rằng, nên sử dụng số thấp hơn bình thường khi di chuyển ở đường đèo dốc khi trời có mưa. Bởi, khi chạy xe ở số thấp sẽ giúp xe bám đường, đồng thời giúp bạn tăng tốc tốt hơn khi cần thiết.
2. Không lấn làn, chỉ vượt khi thực sự an toàn
Ở các cung đường đèo dốc có những quy tắc an toàn mang tính đặc trưng mà cánh tài xế phải "nằm lòng". Ví dụ như luôn phải đi đúng phần đường, tuyệt đối không được vượt ở góc cua hoặc gần đến đỉnh dốc - nơi có tầm nhìn hạn chế. Với thời tiết xấu như mưa bão, các quy tắc an toàn trên lại càng phải đảm bảo để giữ an toàn cho bản thân và các người khác.
Ngoài ra, khi buộc phải dừng đỗ xe, tài xế cũng cần chú ý quan sát, không dừng đỗ ở nhưng nơi đèo dốc, đường hẹp và tầm hìn hạn chế vì có thể làm khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
3. Luôn tập trung quan sát, tắt nhạc trên xe
Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, khi lái xe đường đèo dốc lại gặp thêm trời mưa, gió lớn, tài xế nên tắt hết các thiết bị âm thanh trên xe để tập trung hơn vào việc quan sát và nghe những tiếng động lạ trên đường.
Những âm thanh đó có thể là tiếng động cơ, hoặc tiếng nước chảy, núi lở, cây đổ,... Khi phát hiện sớm, tài xế có hướng phán đoán và đưa ra quyết định kịp thời hơn.
4. Sử dụng đèn, còi phù hợp
Một quy tắc nữa được vị chuyên gia chỉ ra là khi đi đường trường, đường đèo dốc vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu, cần bật đèn ở chế độ chiếu xa. Điều này vừa giúp lái xe có tầm quan sát tốt, tăng nhận diện của xe. Tuy vậy, khi gặp xe đối diện hoặc đi sau một phương tiện khác, lái xe phải chuyển sang chế độ chiếu gần.
Giáo viên lái xe này cũng cho rằng, khi trời mưa to, không nhất thiết phải bật đèn cảnh báo nguy hiểm (nháy cả hai bên xi-nhan) như nhiều người vẫn truyền tai nhau bởi việc này là không cần thiết, thậm chí làm chói mắt và khó phán đoán cho những xe đi xung quanh.
Còn khi muốn vượt xe, nên xin vượt bằng cả đèn và còi. Ngoài ra khi đi đường đèo, cần chú ý nhường đường theo quy tắc "xe xuống dốc nhường đường cho lên dốc".
5. Không chạy gần các xe lớn
Kinh nghiệm "xương máu" mà các chuyên gia đưa ra khi lái xe trên đường là không chạy gần hoặc song song với các xe lớn như xe khách, xe tải, container bởi những phương tiện này có nhiều "điểm mù", càng khó quan sát hơn khi đi đèo dốc, trời mưa.
Việc chạy xe quá gần, vượt không dứt khoát khiến xe bạn có thể bị chèn hoặc thậm chí cuốn vào gầm xe lớn. Ngoài ra, nước bắn lên từ những vũng nước có thể khiến chúng ta bị "mù tạm thời", rất nguy hiểm. Giải pháp là tránh xa các loại xe này hoặc ít nhất không đi vào những điểm mù có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
6. Không cố vượt qua khu vực núi lở, nước ngập
Nếu thường xuyên di chuyển ở những cung đường quanh co, nhiều đèo dốc vào lúc mưa bão, chúng ta rất dễ gặp cảnh lở đất, đá rơi hoặc phải vượt qua khu nước ngập, suối cạn, đập tràn,... Đất đá từ núi lở hoặc khu vực nước chảy siết trên đường nguy hiểm hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Do vậy, khi lái xe đến những khu vực đèo dốc có nguy cơ lở đất hoặc các đoạn suối, đập tràn, cần cân nhắc thật kỹ khả năng vượt qua của xe. Đồng thời tuyệt đối tuân theo cảnh báo nguy hiểm của lực lượng chức năng, không nên "cố đấm ăn xôi" để đẩy bản thân vào nguy hiểm.
7. "Mẹo" chạy bám đuôi khi đi đường đèo
Một mẹo mà anh Tùng chia sẻ khi lái xe đường đèo dốc dưới trời mưa to là có thể đi theo sau và giữ khoảng cách an toàn với một chiếc xe "đáng tin cậy" phía trước.
Kiểu chạy "bám đuôi" này giúp tài xế rất dễ chạy bởi xe phía trước đã như một người "hoa tiêu", dẫn đường, giúp chúng ta đoán biết được những đoạn cua, ổ gà hay chướng ngại vật trên đường để phòng tránh.
Ngoài những kinh nghiệm kể trên, anh Nguyễn Thanh Tùng khuyên tài xế trước khi khởi hành cần kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe như hệ thống đèn, đặc biệt là đèn pha, đèn phanh; lốp xe; gạt mưa; nước rửa kính;... và đảm bảo chúng còn hoạt động tốt.
Nếu thường xuyên đi cung đường đèo dốc, cần chuẩn bị sẵn trên xe các vật dụng thiết yếu như bơm lốp điện, vải bạt, dụng cụ phá kính, xẻng hoặc xà beng,... vì sẽ có lúc cần dùng đến.
|
|