Nước chấm tỏi ớt là phần không thể thiếu trong rất nhiều món ăn của các gia đình Việt. Bạn có thể dùng nước chấm tỏi ớt với món nem rán, chả lá lốt, chả xương sông, các món bún, các món gỏi, nộm...
Loại nước chấm này có sự hòa quyện về hương vị giữa nước mắm, đường, giấm/chanh cùng với tỏi, ớt. Để bát nước mắn được đẹp mắt, phần tỏi ớt băm nhỏ phải nổi trên bề mặt. Tuy nhiên, nhiều người sẽ gặp tình trạng tỏi ớt bị chìm xuống đáy bát nước chấm. Tuy không ảnh hưởng đến hương vị nhưng lại không đạt điểm thẩm mỹ. Để phần tỏi ớt trong bát nước mắm chấm chua ngọt nổi lên trên, bạn hãy lưu ngay các bí kíp dưới đây.
Tỷ lệ các loại gia vị
Với nước mắm chua ngọt, bạn sẽ cần nguyên liệu chính là mắm, đường, nước, giấm/chanh, tỏi và ớt băm. Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể điều chỉnh các loại gia vị này cho phù hợp. Có thể tham khảo tỉ lệ 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 2 thìa nước lọc, giấm (nước cốt chanh gia giảm tùy độ chua mong muốn).
Thứ tự cho các loại gia vị
Nên cho đường và nước lọc vào bát khuấy đều trước. Đến khi nước và đường tan hết thì thêm nước nóng. Bạn cũng có thể cho đường, nước mắm và nước lọc vào nồi, đun sôi cho đường tan hết thì tắt bếp. Để cho hỗn hợp nước mắm thật nguội. Thêm giấm hoặc chanh tùy khẩu vị. Sau cùng mới cho tỏi, ớt băm.
Băm tỏi, ớt
Tỏi chọn củ chắc, căng mẩy. Bóc phần vỏ và băm nhỏ.
Ớt chọn quả tươi, cắt đôi và bỏ phần hạt. Băm nhỏ ớt. Tùy theo sở thích, bạn có thể chọn loại ớt cay hoặc ớt ít cay. Nếu không ăn được cay, hãy chọn ớt sừng. Lượng ớt có thể giảm bớt hoặc tăng lên tùy khẩu vị.
Một lưu ý đặc biệt để tỏi, ớt nổi lên khi cho vào bát nước chấm chính là dao, thớt, tỏi, ớt phải thật khô ráo trước khi băm. Khi bị ngấm nước, tỏi, ớt sẽ nặng hơn và rất dễ chìm xuống đáy bát. Nhiều người thích giã dập tỏi ớt nhưng việc này sẽ khiến miếng tỏi, ớt bị nát và có kích thước khá lớn, dễ chìm xuống đáy bát nước chấm. Nếu dùng nước mắm pha để trộn gỏi thì được nhưng nếu pha làm nước chấm cho các món như nem, chả thì sẽ không quá đẹp mắt. Nếu thích, bạn cũng có thể kết hợp một phần tỏi ớt giã với một phần tỏi ớt băm nhỏ.
Một mẹo nhỏ giúp tỏi, ớt nổi lên trên khi cho vào bát nước chấm là cho tỏi, ớt băm ngâm trong nước cốt chanh hoặc giấm khoảng 5 phút rồi vớt ra và cho vào bát nước mắm.
Bảo quản nước mắm
Nếu muốn pha nước mắm tỏi ớt để tiện dùng trong một thời gian, bạn nên đun sôi nước và đường cho hơi sánh lại rồi tắt bếp. Sau đó, thêm nước mắm và khuấy đều. Cách này giúp nước mắm giữ được nguyên hương vị. Chờ cho hỗn hợp thật nguội mới cho thêm chanh/giấm và thêm tỏi, ớt băm. Có một mẹo nhỏ giúp nước mắm không bị lên men trong quá trình bảo quản là thêm muối. Khi cho muối, bạn nên gia giảm lượng nước mắm, đường, chanh/giấm cho phù hợp khẩu vị. Ngoài ra, để tăng thêm hương vị thơm ngon, bạn có thể cho thêm vài lát dứa chín vào nấu cùng phần nước đường. Dứa mang lại vị chua ngọt tự nhiên, cũng tạo thêm mùi thơm cho nước mắm.
Cho hỗn hợp nước mắm này vào trong lọ sạch và trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần dùng thì lấy ra một lượng vừa đủ. Với cách làm này, bạn có thể bỏa quản nước mắm tỏi ớt trong khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, theo thời gian, tỏi ớt sẽ dần chìm xuống. Dù vậy, hương vị của nước chấm sẽ vẫn giữ được độ thơm ngon.
|
|